Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác giả



Song Nguyễn

(Montreal, Canada)



 




TRUNG HOA CỘNG SẢN

HIỂM HỌA

cho
HÒA BÌNH của NHÂN LOẠI

Song Nguyễn




Lời người viết: Bài viết này được hình thành trong niềm đau sót nhìn quê hương đang bị mất dần, viết trong nỗi nghẹn ngào của kiếp sống ly hương. Bài viết là một tổng hợp các tài liệu liên quan đến hiểm họa Trung Cộng, một hiểm họa cấp thời (imminent )đe dọa hòa bình của toàn thể nhân lọai.



Năm 1991, chế độ Cộng Sản tan rã ở Nga Sô và ở Đông Âu sau khi đã tàn hại nhân loại trong gần một thế kỷ. Trên thế giới chỉ còn 4 quốc gia mà đảng cầm quyền vẫn sắt máu áp đặt chế độ Cộng Sản lên dân tộc của họ; đó là Trung Hoa, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Các ám ảnh của 1 cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 - một cuộc chiến tranh nguyên tử hủy diệt toàn thể nhân loại-đã chìm sâu vào dĩ vãng. Người ta đặt hy vọng vào 1 kỷ nguyên mới cho nhân loại, đó sẽ là kỷ nguyên của hòa bình, hợp tác và thịnh vượng. Nhưng những lạc quan đó không kéo dài quá 1 thập kỷ. Nhân loại lại bị đe dọa bởi 1 cuộc chiến tranh giữa Trung Cộng và thế giới tự do vì những tham vọng bệnh hoạn làm bá chủ thế giới của các nhà lãnh đạo của Trung Cộng. Quả thực Trung Cộng đang có tham vọng thôn tính thế giới.

Truyền thống xâm lược của người Tầu : xưa và nay
Vì luôn luôn tự tôn rằng Hán tộc là cái rốn của vũ trụ, có thiên mệnh làm bá chủ thế giới nên từ ngàn xưa, người Tầu đã không ngớt xâm lấn khắp nơi khi có cơ hội. Chính sách đồng hóa thâm độc của Trung Cộng vẫn không thay đổi, từ ngàn năm nay: đó là di dân ào ạt vào các nước chiếm được, hạn chế sinh đẻ áp đặt lên người bản xứ, reo rắc chết chóc lầm than, hủy diệt văn hóa, văn tự chữ nghĩa như họ đang thực hiện ở Tây Tạng…

Khởi thủy, đất đai của người Tầu được gọi là Trung Nguyên, chỉ gồm có 18 tỉnh là: Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, An Huy, Giang Tô, Giang Tây, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Phúc Kiến, Quí Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông. Người Tầu tự coi họ là văn minh, các sắc dân khác được họ gọi là Rợ, Man Di vv…. Các vua Tầu như các Hoàng Đế Khang Hy, Càn Long đời nhà Thanh đã đem lãnh thổ Mãn Châu sáp nhập vào nước Tầu. Họ chiếm thêm Ngoại Mông và Hồi Cương để lập thêm các tỉnh mới như Thanh Hải, Tây Khang, Tây Hạ, Sáp Cát Nhĩ, Liêu Ninh, Thẩm Dương và Hắc Long Giang.

Ngày 15 tháng 10 năm 1951, Trung Cộng kéo quân vào chiếm Tây Tạng, chiếm đóng xứ này cho tới ngày nay. Họ cố tình đồng hóa Tây Tạng, hủy diệt nền văn minh bàng bạc chất Phật Gíáo của quốc gia cổ kính này. Hàng ngàn ngôi chùa bị phá hủy, hàng vạn, vạn tăng lữ bị thủ tiêu. Để đồng hóa dân Tây Tạng, TC đã di dân vào sinh sống ở Tây Tạng. Khoảng 7,5 triệu người Tầu đã được đưa sang lập nghiệp ở Tây Tạng, vượt xa dân số Tây Tạng. Người Tây Tạng trở thành dân thiểu số ngay trên chính quê hương của họ. Ngôn ngữ chính thức ở Tây Tạng bây giờ là tiếng Trung Hoa, ngôn ngữ Tây Tạng chỉ là ngôn ngữ địa phương.

Năm 1950, hơn 50 Sư đoàn quân đội Trung Cộng - dưới sự chỉ huy của Lâm Bưu và Bành Đức Hoài - vượt sông Áp Lục, tiến như vũ bão xâm lăng Triều Tiên, đẩy lùi Quân Đội Nam Hàn và Đồng Minh xuống mãi tận cực Nam của bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh Cao ly chấm dứt tháng 7 năm 1953. Hậu quả là Triều Tiên bị chia đôi ở vỹ tuyến thứ 38.

Năm 1962, Trung Cộng gây chiến với Ấn Độ, tiến sâu vào lãnh thổ nước này 20 km rồi rút ra. Các đại cường Mỹ, Nga Sô đã phải can thiệp để chấm dứt cuộc chiến. Kết quả là Ấn Độ đã phải nhường Trung Cộng 1 giải đất rộng 3 300 km2 ở vùng Aksai Chin, tức là vùng biên giới Hy Mã Lạp Sơn và Trung Quốc.

Trung Cộng và Nga Sô có chung chiều dài biên giới khoảng 4 300km. Năm 1969 TC đã xua quân chiếm vùng sông Amur của Nga Sô. Chiến tranh đẫm máu đã xẩy ra giữa 2 nước ‘’xã hội chủ nghĩa anh em’’. Nga Sô đã phải dùng đến hỏa tiễn để tiêu diệt quân Trung Cộng. Năm 1977, TC và Nga Sô ký hiệp định về biên giới. Mặc dù đã ký hiệp định với Liên Sô, nhưng các nhà lãnh đạo TC như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình vẫn khẳng định rằng vùng đất Vladivostok và Khabarovsk vẫn là của Trung Hoa. Trong các trường học, học sinh Tầu vẫn tiếp tục được dậy rằng Liên Sô đã dùng bạo lực chiếm những vùng đất trên của Trung Hoa.

Khi Liên Sô xin gia nhập vào cơ quan Mậu dịch Quốc tế (WTO), TC chỉ đặt có một điều kiện duy nhứt để hỗ trợ Liên Sô. Điều kiện đó là cho phép người lao động Trung Quốc được vào làm việc ở Liên Sô mà không cần phải có chiếu khán nhập cảnh.

Gần đây, nhà cầm quyền Hà Nội đã quyết định miễn chiếu khán nhập cảnh cho du khách người Tầu khi vào Việt Nam. Đây là quyết định đầy bất trắc cho tương lai dân tộc Việt Nam.

Phải chăng nhà cầm quyền Hà Nội cố tình quên đi chiến thuật đồng hóa cố hữu của người Tầu là di dân lập nghiệp càng nhiều càng tốt.

Trung Cộng, nhờ những cuộc xâm lăng, chiếm đất, đã trở thành nước có diện tích lớn hàng thứ 3 trên thế giới, sau Nga Sô và Gia Nã Đại. Tuy vậy với dân số hơn 1 tỷ 300 triệu người, đất đai của Trung Hoa lục địa đã trở nên chật hẹp. Các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã và đang nói tới sự cần thiết của khoảng không gian sinh sống ngoài lục địa cho người Tầu.

Việt Nam và các nước ở biển Đông: nạn nhân của Trung Hoa
Tổ tiên của chúng ta- các nhóm Bách Việt- đã phải di cư xuống phía Nam, định cư ở Châu thổ sông Hồng Hà, để tránh bị người Tầu đồng hóa diệt vong. Từ miền Châu thổ của sông Hồng, tổ tiên của ta đã tiến xuống phía Nam để lập ra 1 giải sơn hà gấm vóc hình chữ S, trải dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu.

Trong lịch sử, Việt Nam đã từng bị Tầu cai trị cả ngàn năm, qua nhiều thời kỳ lịch sử. Nhưng Tổ tiên của chúng ta rất anh hùng, đầy khôn ngoan cho nên dân Việt tránh được họa bị đồng hóa.

Nay đất đai do tổ tiên để lại bị mất dần về tay người Tầu kể từ ngày Cộng Sản Việt Nam chiếm được một nửa đất nước vào năm 1954.

Năm 1956, Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa - với những chứng cớ của lịch sử- đã xác nhận chủ quyền không thể chối cãi được của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 8 năm đó, Quân đội Việt Nam Cộng hòa được gửi ra trấn đóng ở Hoàng Sa, nơi đã có 1 đài khí tượng của Việt Nam được thiết lập từ thời Pháp thuộc. Năm 1957, Quân đội Việt Nam Cộng hòa được gửi ra đóng tại nhiều hòn đảo ở Trường Sa.

Tháng 6 năm 1958, Thứ trưởng Ngoại giao của Cộng Sản miền Bắc Ung Văn Khiêm đã nói với người xử lý thường vụ của Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Hà nội, Li Zhimin rằng: theo các tài liệu của Việt Nam thì các quần đảo Tây Sa (ta gọi là Hoàng Sa) và Nam Sa ta gọi là Trường Sa) theo lịch sử là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhật báo Nhân Dân, cơ quan chánh thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, số ra ngày 6 tháng 9 năm 1956, đã đăng 1 bài đầy đủ chi tiết bản tuyên bố của Chánh phủ Trung Hoa Cộng Sản phát hành 2 ngày trước đó. Chúng ta nên biết rằng như trong bất kỳ một chế độ Cộng Sản nào, khí cơ quan chánh thức của đảng Cộng Sản Việt Nam đã đăng bài này tức là họ công nhận các ý kiến của Trung Quốc.

Hoàng Tùng. Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung uơng Đảng Cộng Sản Việt Nam, nguyên Tổng Biên Tập (Rédacteur en Chef) báo Nhân dân, cũng đã tuyên bố: Thà giao Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung quốc, cùng phe Xã Hội Chủ nghĩa anh em còn hơn để tụi Ngụy Sàigòn quản lý.

Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Trung Cộng ban hành quyết định tự ý nới rộng hải phận Trung quốc là 12 hải lý thay vì 3 hải lý. Theo quyết định này thì lãnh hải của Trung Cộng bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 14 tháng 9 năm 1958 (10 ngày sau khi Trung Cộng ban hành quyết định) Thủ tướng Việt Nam Cộng Sản, Phạm Văn Đồng, gửi thư cho Thủ tướng Trung Cộng, Châu Ân Lai, tán thành hoàn toàn quyết định của Trung Cộng: …..Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận Trung Quốc.( phụ bản 1)

Sách giáo khoa môn Địa lý do nhà nước Cộng Sản Việt Nam in ra năm 1974 có ghi rõ …các hòn đảo từ quần đảo Nam Sa, Tây Sa, qua Hải Nam, Đài Loan, là một bức trường thành bảo vệ Trung Quốc. Cộng với lá thư của Phạm Văn Đồng, các điều này giúp Cộng Sản Trung Quốc cả tiếng xác nhận chính Chánh phủ của Việt Nam Cộng Sản đã xác định chủ quyền của Trung Hoa trên các quần đảo nói trên, ở Biển Đông.

Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hải Quân Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Dù chênh lệch về hỏa lực và quân số, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chống trả mãnh liệt để bảo vệ mảnh đất quê hương- chống trả trong sự thờ ơ của Hải quân Hoa Kỳ đang hiện diện trong vùng-Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn im lặng về sự chiếm đóng này. Có lẽ họ sợ há miệng mắc quai. Vì lá thư của Phạm Văn Đồng gửi Châu Ân Lai năm 1958. Hành động bán nước này do Phạm Văn Đồng ký nhưng Hô Chí Minh và đám cận thần trong Bộ Chính Trị như Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu…phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Từ 17 tháng 2 cho đến ngày 16 tháng 3 năm 1979, quân đội của Trung Cộng với hơn 170 000 quân, đã xâm chiếm, tàn phá rất nặng nề các tỉnh phía Bắc, giáp giới với nước Tầu, như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Kay… Cuộc tiến quân này được Trung Cộng gọi là để dậy cho “đứa em bất nghĩa Việt Nam một bài học”. Chiến cuộc kéo dài đúng 1 tháng và chỉ chấm dứt khi Trung Cộng kéo quân về nước. Phía Trung Cộng có 26 000 binh sĩ thiệt mạng, 37 000 bị thương. Phía Việt Nam Cộng Sản có 30 000 thiệt mạng, 32 000 bị thương. Khi kéo quân vào Việt Nam, Trung Cộng đã cố ý dời các mốc biên giới vào sâu trong nội địa Việt Nam khoảng 20 km. Việt Nam đã để mất về tay Trung Cộng một gỉải đất ráp ranh hai nước, mất nhiều di tích lịch sử như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc…

Năm 1985, Hải Quân Trung Cộng đã xả súng bắn, giết ngư dân Việt Nam đang đánh cá ở ngoài khơi Thái Bình Dương, viện cớ là họ vi phạm hải phận của TC.

Tháng Giêng năm 1987, đụng độ tại biên giới Việt- Hoa khiến hàng trăm binh sĩ của 2 nước bị thiệt mạng.

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, Hải Quân Trung Cộng chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa sau khi đánh đuổi, gây thiệt hại nặng nề cho Hải Quân của Việt Nam Cộng sản.

Một tháng sau, Trung Cộng tuyên bố sát nhập 2 miền Hoàng Sa và Trường sa vào tỉnh Hải Nam.

Năm 1988, Trung Cộng lại tự ý vẽ lại bản đồ, nới rộng lãnh hải, tuyên bố chủ quyền 85% trên biển Đông Hải. Tháng 3 năm 1988, Trung Cộng dùng võ lực chiếm 7 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam. Họ ngang nhiên cho lập Đài quan sát (Marine Observatory) và lập căn cứ quân sự trên các đảo còn đang trong vòng tranh chấp chủ quyền.

Tháng 2 năm 1992, Trung Cộng, bất chấp Công Pháp quốc tế, ngang nhiên tới khoan tìm dầu hỏa tại Wanan Reef thuộc hải phận của Việt Nam. Họ cũng ngang nhiên tới khoan giếng dầu tại Reed Bank (thuộc Phi Luật Tân), James Shoal (thuộc Mã Lai). Chưa hết, sau khi công khai chiếm lãnh thổ của các nước khác, Trung Cộng còn đe dọa dùng võ lực để cảnh cáo các nhà thầu khoan dầu Tây phương.

Từ năm 1988 đến năm 1993, Trung Cộng đã xây xong 1 căn cứ Hải quân lớn, với 1 phi trường có phi đạo dài trên 2500m, đủ sức tiếp nhận các phản lực cơ quân sự. Trong phi trường luôn luôn có sự hiện diện của 10 chiếc phản lực cơ loại F7.

Tháng 2 năm 1995, Trung Cộng lại chiếm đảo Mischief, thuộc Phi Luật tân, nằm ở phía Tây đảo Palawan. Họ cho xây nhiều căn cứ quân sự trên đảo bất chấp những phản kháng dữ dội của chính phủ Phi. Sự bất can thiệp của Hải Quân Nga, của Hải Quân Mỹ trong vùng càng khuyến khích Trung Cộng coi thường những phản kháng của Phi Luật Tân, tiếp tục chiếm đóng và xây cất.

Năm 1992, Trung Cộng lại tuyên bố, xác định lại vùng lãnh hải Trung Hoa (Chinese Territorial Water Laws). Theo đó, Đài Loan, quần đảo Senkaku, Pescadore, Prasta, Macclesfiel Bank, Hoàng Sa và Trường sa đều thuộc về Trung Hoa. Như vậy, biển Trung Hoa rộng hơn 3 triệu km2, chiếm phần lớn Thái Bình Dương. (phụ bản 2) Mới đây, Trung Cộng tranh chấp với Nhựt trên quần đảo Điếu Ngự Đài (Senkaku).

Ngày 21 tháng 8 năm 2007, Trung Cộng công khai tuyên bố họ sẽ khởi sự khai thác các tiềm năng kinh tế tại vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa kể cả ở Vịnh Bắc Việt. Đây là 1 biến cố quan trọng, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời Trung Cộng thông báo sẽ tổ chức các chuyến du lịch bằng tầu lớn để du khách có dịp thưởng ngoạn hết vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa mà họ nhận là thuộc về họ dựa theo Thông cáo của Phạm Văn Đồng gửi Châu Ân Lai vào năm 1958.

Gần đây nhứt, tháng 11 năm 2007, Trung Cộng cho Hạm Đội Nam Hải tập trận ở vùng biển Hoàng Sa. Việt Nam chỉ phản đối cho có lệ, phản đối chỉ được đưa ra vào ngày chót khi cuộc thao diễn đã hoàn tất. Đồng thời Bắc Kinh lập ra một huyện mới thuộc tỉnh Hải nam, lấy tên là Tam Sa. Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được Trung Cộng tuyên bố thuộc huyện này. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cho một số dân biểu tình trước Tòa Đại Sứ Trung Cộng ở Hà Nội để phản đối. Bộ Ngoại Giao của Trung Cộng đã phản đối, cảnh cáo chính phủ Cộng sản Việt Nam về việc để biểu tình làm phương hại đến mối giao hảo của 2 nước (?), khiến phát ngôn nhân của Cộng Sản Việt Nam phải dịu giọng không dám gọi đó là các cuộc biểu tình mà chỉ dám gọi là các cuộc tập họp. Ôi đâu còn tình nghĩa “trước là đồng chí sau là anh em “ như các đồng chí ở Bắc Bộ Phủ, Hà Nội thường ca tụng.

Tại các nước ở vùng Đông Nam Á- Việt Nam, Lào, Cao Mên, Thái Lan và Miến Điện- sông Cửu Long là huyết mạch, là bầu sữa cho triệu, triệu dân chúng. Với 14 cái đập xây dựng tại thượng nguồn của sông, nằm sâu trong nước Tầu, TC có thể thay đổi mực nước, lưu lượng của sông, ảnh hưởng đến đời sống của dân các nước trên. Sự sống (ecology) sẽ thay đổi trên vùng đất để biến vùng này thành đất chết nếu sông Cửu Long cạn dòng, hết nước (xin đọc tác phẩm nghiên cứu của nhà văn Ngô Thế Vinh: Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng ). Ủy Ban Sông Cửu Long đã họp nhiều lần nhưng không bao giờ có mặt Trung Cộng dù nước này là 1 hội viên.

Nguồn gốc của thái độ và những hành động xâm lấn của Trung Cộng
Sở dĩ Trung Hoa Cộng Sản xâm lấn các nước láng giềng, bất chấp dư luận quốc tế vì lý do họ đã trở thành 1 cường quốc về kinh tế và về quân sự.

* Trung Cộng là một cường quốc về quân sự

Quân đội nhân dân Trung Cộng được thành lập từ năm 1927 tại Nam Xương do sự kết hợp từ những cánh quân du kích của Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu và Mao Trạch Đông. Sau khi Mao chiếm được toàn thể Hoa Lục, các nhóm quân này thống nhứt, thành quân đội của cả nước Trung Hoa Cộng Sản. Quân đội Trung Cộng là đạo quân đông nhứt thế giới gồm quân chánh qui (hơn 4 triệu người), dân quân (7 triệu người). Cả nước có 7 Quân khu với nhiều quân đoàn trong đó quân đoàn 27 thuộc quân khu Bắc kinh. Quân đoàn này đã trách nhiệm đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Ngoài quân khu Bắc Kinh, những quân khu khác là: Thẩm Dương, Thành Đô, Quảng Châu, Tế Nam, Lan Châu và Nan Kinh.

. Về không quân, TC có 22 Sư Đoàn chiến đấu và 12 Sư Đoàn oanh tạc. Nhiều Sư Đoàn được phối hợp thành Quân Đoàn KQ như QĐ/KQ Thượng Hải, QĐ/KQ Hàng Châu. Sau cuộc chiến biên giới Việt Hoa năm 1979, nhận thấy Không Quân của họ còn non kém, TC đã nhờ Tây Phương trợ giúp kỹ thuật để chế tạo các phi cơ chiến đấu F8, Tây An A có gắn hỏa tiễn không- không để thay thế các loại phi cơ kiểu Liên Sô như Mig17, Mig15, Mig19 đã lỗi thời.

. Hải Quân TC hiện đứng thứ 3 trên thế giới với 1900 tầu chiến các loại gồm 70 tầu ngầm, 63 khu trục hạm, 100 tầu đổ bộ, 540 phi cơ và 2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến. Hải Quân TC gồm đủ loại tầu chiến, kể cả các tầu ngầm mua lại của Liên Sô, các khu trục hạm, hộ tống hạm chống võ khí nguyên tử.. Kể từ năm 1980, Hải Quân TC được phát triển để có khả năng vừa phòng ngự trong nước vừa có thể chiến đấu độc lập tại các khu vực xa lục địa. Theo các tài liệu được phổ biến, các chiến hạm TC bây giờ hầu hết đều có trang bị trực thăng và hệ thống viễn thông với kỹ thuật cao. TC có 3 Hạm đội: Bắc Hải, Nam Hải và Đông Hải. Hạm đội Nam Hải phụ trách biển Đông, từ eo biển Đài Loan cho đến biên giới lãnh hải của Việt Nam. Các căn cứ của Hạm đội này gồm:

Trường Giang là căn cứ chính với các đơn vị tác chiến, các đơn vị Thủy quân lục chiến. Quảng Đông: căn cứ của các khu trục hạm Vũ Linh ở đảo Hải Nam: căn cứ của các tầu ngầm.

Tóm lại TC đang xây dựng 1 lực lượng Hải Quân lớn mạnh để chiếm hết biển Đông và đuổi Hải quân Mỹ về bên kia bờ của Thái Bình Dương như lời tuyên bố không úp mở của Bộ Trưởng Hải quân TC Liu Huaquing. Nhưng biển Đông là hải lộ huyết mạch của Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn và Đài Loan nhứt là đối với Nhật Bản. Mỗi năm có hơn 1 tỷ tấn hàng trong đó có dầu lửa Trung Đông từ eo biển Malacca qua biển Đông để vào Nhật. Việc Nhật, với sự đồng thuận của Hoa Kỳ, đã tái lập Hải quân, gọi tắt là Lực Lượng Tự Vệ Biển phải chăng có mục đích đối đầu với Hải Quân Trung Cộng ở biển Đông. Lực lượng này có trách nhiệm coi chừng Trung Cộng và Bắc Hàn trong vùng Biển Bắc Á tới ranh giới Bắc eo biển Đài Loan. Trung Cộng còn thua xa Mỹ về vũ khí hạch tâm (200 so với Hoa Kỳ có 10 000) và hỏa tiễn liên lục địa (200 so với Hoa Ký có 830). Đến cuối năm 2006, Trung Cộng đã chế tạo được 60 hỏa tiễn xuyên lục địa Deng Feng 32, có thể bắn tới Âu Châu và lục địa Mỹ không kể các loại hỏa tiễn tầm xa LRBM ( Long Range Balistic Missiles ). Trung Cộng cũng có các vũ khí có đầu đạn nguyên tử có thể bắn xa 1000 dặm gọi là MARV (Maneuvrable Re-Entry Vehicle ).

Trong lãnh vực khoa học không gian, tháng 1 năm 2007, Trung Quốc đã thành công trong việc phóng hỏa tiễn chống vệ tinh, đe dọa trực tiếp các vệ tinh gián điệp của Hoa Kỳ. Hỏa tiễn Trung Cộng SC-19 đã bắn trúng 1 vệ tinh của Mỹ ở cao độ 760 km. Điều này làm Hoa Kỳ lo ngại; với hỏa tiễn có tầm như thế Nhật Bổn và Đài Loan bị trực tiếp đe dọa, không còn là tiền đồn của Mỹ nữa.

Nhiều năm trước đó, ngày 24 tháng 1 năm 1970, TC đã phóng 1 vệ tinh được đặt tên là Đông Phương Hồng lên quĩ đạo, tại sa mạc Gobi, thuộc tỉnh Cam Túc ở miền Tây Bắc Trung Hoa. Từ đó đến nay, TC đã phóng vào quĩ đạo trái đất hơn 50 vệ tinh từ các căn cứ Tây Xương (thuộc tỉnh Tứ Xuyên), Thái Nguyên (thuộc tỉnh Sơn Tây), Tửu Tuyền (thuộc tỉnh Cam Túc) và đảo Hải Nam. Người chịu trách nhiệm chương trình không gian, hỏa tiễn của Trung Cộng là 1 người Mỹ gốc Trung Hoa, có tên là Qian Xuesen. Tiến sĩ Qian nguyên là 1 Đại tá Không Quân Hoa ký, một bác học Mỹ gốc Trung Hoa lừng danh quốc tế từ thập niên 1940-1950. Qian được Mao giao cho trọng trách điều khiển chương trình không gian và hỏa tiễn của Trung Cộng.

TC đã dành phần lớn ngân sách Quốc gia để canh tân quân đội Năm 2006, ngân sách Bộ quốc phòng lên tới hơn 30 tỷ dollars (USA). Từ năm 1996, Ngân Sách Quốc phòng của Trung Quốc tăng mỗi năm độ 15%, chủ yếu để phát triển các vũ khí chiến lược. Đầu tháng 8 năm 2007, tại Quốc Hội, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trong khi trình bầy Ngân Sách quốc Phòng, đã tuyên bố:

‘’..chúng ta sẽ tăng Ngân sách quốc phòng liên tục trên tăng trưởng Kinh tế của quốc gia để canh tân quân lực hầu thỏa mãn nhu cầu bảo vệ quốc gia và phục vụ quyền lợi của đất nước…Thế giới hiện nay có những đổi thay, Trung quốc phải đề cao cảnh giác để đối phó với những hiểm nguy..’’ Theo CIA, con số chánh thức về chi phí quân sự của TC lên đến từ 60 đến 70 tỷ dollars USA. Chủ tịch của Quân ủy Trung Ương hiện nay là Tổng Bí Thư Hố Cẩm Đào với 3 Phó Chủ tịch là Quách Bá Hùng, Tào Cường Xuyên và Từ Tài Hậu.

* Trung Cộng : 1 cường quốc kinh tế

Đặng Tiểu Bình là người có công trong việc biến Trung Quốc- từ 1 quốc gia lạc hậu, chậm tiến và bị cô lập - thành 1 quốc gia kỹ nghệ. Trung Cộng, hiện nay, là nước kỹ nghệ đứng vào hàng thứ 4, chỉ sau Hoa kỳ, Đức và Nhật. TC cũng là nước thứ 2 về dự trữ ngoại tệ, chỉ sau có Hoa Kỳ. Dự trữ ngoại tệ của TC lên đến 1000 tỷ Mỹ kim. Lợi tức quốc gia PIB ( Produit Intérieur Brut ) nhảy từ 47 tỷ Mỷ Kim năm 1978 lên đến 8800 tỷ năm 2005. (Hình bên: Đặng Tiểu Bình & Jimmy Carter)

Trong công cuộc xây dựng hạ tầng, TC đã thực hiện rất nhiều công trình rất đáng kể. Xin đơn kể vài thí dụ:

- chỉ trong năm 2004, Thành phố Thượng Hải đã xây một số nhà chọc trời bằng cả số nhà chọc trời của thành phố Nữu Ước gộp lại.

- chỉ trong 2 năm 2003-2004, TC đã thiết lập 192,000 km xa lộ

- năm 2005, TC có thêm 13 000 km đường hỏa xa, đặc biệt đường nối liền Tần Hải với Lhassa (thủ đô Tây Tạng).

- một công trình vĩ đại sắp được hoàn thành vào năm 2009 là Đập thủy điện Tam Hiệp (Trois-Gorges); sau khi hoàn thành, đập này sẽ là đập thủy điện lớn nhứt thế giới. Đúng trên mặt trăng có thể nhìn thấy đập này như Vạn Lý Trường thành cũng được nhìn thấy từ mặt trăng.

CUỘC XÂM LĂNG CỦA TRUNG CỘNG Quả thực từ trên dưới 10 năm nay, thế giới tự do mà đứng đầu là Hoa Kỳ đang phải đối đầu với tham vọng bá quyền của Trung Cộng trong cuộc chiến mới, một cuộc chiến rất phức tạp. Vài sự kiện đáng chú ý
1 - Ngày 7 tháng 9 năm 1999, một phi cơ B-52 của Mỹ đã ném 5 trái bom xuống Tòa Đại sứ của TC ở Belgrade. Tuy Mỹ viện dẫn lý do trở ngại kỹ thuật (dù rằng phi cơ được hướng dẫn bằng GPS cực kỳ chính xác) nhưng theo các nhà quan sát chính trị, Mỹ muốn cảnh cáo TC vì TC đã phản đối sự can thiệp của OTAN vào Kosovo, Hơn nữa Mỹ nghi ngờ TC đã chuyển giao các tin tức tình báo cho phe Serbe mà lãnh tụ là Slobodan Milosevic. Bộ Trưởng Quốc phòng của TC Trì Hạo Điền tuyên bố là chiến tranh với Mỹ sẽ không thể nào tránh được vì Mỹ dùng sức mạnh để áp đặt quan điểm của Mỹ trên toàn thế giới.

2 - Tháng 7 năm 2000, tại Hội nghí ASEAN ở Singapore, Ngoại trưởng Hoa Kỳ là Bà Madeleine Albright đã tuyên bố: Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên để TC lộng hành trong vùng. 3- Ngày 1 tháng 4 năm 2001, 1 máy bay gián điệp E-3 của Mỹ rơi xuống đảo Hải Nam sau khi bắn cháy 1 phi cơ F-8 của TC bay lên chận bắt. TC cho rằng E-3 đã xâm phạm không phận của TC trong khi Mỹ thì quả quyết E-3 bay trong hải phận quốc tế cách hải phận của TC 32 hải lý.

3 - Từ năm 2004, Hồ Cẩm Đào đã công du thế giới nhiều lần, trái với Chủ tịch Mao Trạch Đông gần như không khi nào ra khỏi nước Tầu trừ 1 lần sang Nga. Nơi nào TC cũng vung tiền để mua chuộc qua chiến thuật viện trợ nhân đạo, huấn luyện chuyên gia, cấp học bổng cho các sinh viên…nhờ thế TC đã chiếm được hơn 28% lượng dầu khí tại lục địa Phi Châu. TC đã tung hàng tỉ dollars để đầu tư vào Á Căn Đình, Ba Tây, Chili, Perou, Venezuella. Năm 2005, 5 nước này đã trải thảm đỏ đón tiếp Chủ tịch TC Hồ Cẩm Đào, ông này tuyên bố sẽ đầu tư vào khu vực nầy 100 tỉ Mỹ Kim cho 10 năm sắp tới.

Thủ tướng Trung Cộng là Ôn Gia Bảo đã du hành trên 15 nước vào năm 2006. Từ 1995 tới năm 2003, TC đã ký 18 hiệp định với nhiều nước Phi Châu để vơ vét tài nguyên của những nước này. Ngoài ra TC còn bầy trò xóa nợ 1,2 tỷ dollars USA cho Angola nên được nước này cung cấp một số lương dầu khí lớn lao (300.000 thùng / 1 ngày).

Tháng 11 năm 2006, TC đã trải thảm đỏ để đón tiếp 40 lãnh tụ các quốc gia Phi Châu, xác nhận chánh sách hữu nghị hợp tác với các quốc gia (53 nước) Phi Châu với dân số hơn 800 triệu. Với chánh sách cho vay không lấy lời, chỉ trong năm 2006, TC đã đầu tư hay tài trợ 10 tỉ Mỹ Kim cho các nước Nigeria, Angola, Mozambique, Ghana.

4 - Tháng 1 năm 2005, 1 phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ, gồm cả các nhân vật Dân chủ lẫn Cộng hòa sau khi từ Trung Quốc về, đã cảnh báo hiểm họa nước Tầu. Đài Loan hiện nay là khu vực nguy hiểm nhứt trên thế giới.

Chiến tranh có thể xẩy ra bất kỳ lúc nào. Khi đề cập đến sự can thiệp của Mỹ vào 1 cuộc chiến do TC phát động để chiếm cứ Đài Loan, Đại tướng TC Hùng Quang Giai ( Xiong Guang Kai )- xếp sòng tình báo của TC- đã tuyên bố không dấu diếm là TC sẽ bỏ bom nguyên tử hủy diệt thành phố Los Angeles nếu Hoa Kỳ can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Mặt khác, Hoa Kỳ càng ngày càng cảm nhận là TC có 1 thời khóa biểu trong việc chiếm lãnh Đài Loan trong khoảng 10 năm tới.

6- Tháng 9 năm 2007, các nôi cho trẻ con mang nhãn hiệu Simplicity và Graco sản xuất tại TC được thu hồi vì gây ra cái chết cho 2 trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra các độc tố cũng được tìm thấy trên hầu hết các món hàng do TC sản xuất như Hải Sâm nhân tạo (lươn cua, ốc, sò ….) đều có chứa ít nhiều hóa chất gây ung thư. Các sản phẩm như thuốc đánh răng, đồ ăn cho chó mèo, đồ chơi cho trẻ em, vật dụng nhà bếp, áo quần, mỹ phẩm …đều có chứa nhiều chất độc có hại cho sức khỏe hoặc làm chết người hoặc gây ra bệnh Ung thư như chất chì, Malachite Green và Nitrofurans. Formaldehyde (chất được dùng trong việc ướp xác người) được dùng để giữ các thực phẩm được lâu dài. Chúng ta được thấy ở Việt Nam, Formaldehyde đã được dùng để ướp bánh phở. Chỉ riêng tại Mỹ, Tầu bị thiệt hại hơn 2,26 tỷ dollars USA vì các hàng hóa bị trả lại.

Tại Tân Tây Lan, quần áo do Tầu sản xuất bị điều tra vì bị nghi là có chứa nhiều chất Formol.

Ngày 19 tháng 8 năm 2007, Cơ quan giám sát thuốc và thực phẩm của Nam Dương- tương đương với cơ quan Foods and Drugs Administration (FDA) của Hoa Kỳ- đã công bố danh sách 49 loại kẹo bánh do Tầu sản xuất có chứa chất Formol. Đồng lúc Nam Dương cấm nhập cảng 26 loại mỹ phẩm do Tầu sản xuất.

Thái Lan ra lệnh cấm nhập cảng hàng hóa từ TC tới vì các loại hàng này có chứa chất độc.Các nước Bắc Âu và Ý cũng ra lệnh lập hàng rào kiểm soát chặt chẽ các hàng hóa nhập cảng từ TC.

Ngày 16 tháng 8 năm 2007, Chánh phủ Anh ra lệnh tịch thu 115.000 chai nước uống dành cho trẻ em vì thiếu độ an toàn.

Tại Nicaragua, 1 nước ở Trung Mỹ, cả trăm người đã thiệt mạng vì dùng kem đánh răng nhập cảng từ Tầu. Lý do là các kem đánh răng hiệu Excel, Mr Cool do Tầu sản xuất có quá nhiều chất độc diethylene glycol.

Để làm dịu những phản ứng bất lợi từ mọi phía, TC đã cho xử tử Zeng Xiaoyu để làm con dê tế thần. Zeng Xiaoyu là người cầm đầu cơ quan quản trị thuốc men và thực phẩm cho cả nước Tầu, một loại FDA của Tầu. Thông Tấn Xã của Việt Nam Cộng sản vừa đăng lại 1 bản tin quốc tế liên quan đến các hàng hóa có chất độc của TC đã bị TC cảnh cáo nên Việt Nam đành im tiếng, không dám đụng đến đàn Anh Tầu.

Thực ra các sự kiện vừa nêu trên chỉ là 1 phần nhỏ các âm mưu phá hoại của TC- a tip of the iceberg - như phần nổi trên mặt nước của tảng băng khổng lồ trôi trên đại dương.

Cuộc thư hùng giữa TC và thế giới tự do- đứng đầu là Hoa Kỳ - rất phức tạp và rất to lớn quan trọng hơn là ta tưởng. Hoa kỳ đang phải đối đầu với 1 kẻ thù trên nhiều mặt trận, nhiều lãnh vực.

Trung Cộng đang xâm lần chiếm đất, biển
Như đã nói ở đoạn trên, Trung Cộng đang chiếm đất, biển của Việt Nam, của các nước ở biển Đông. Với những qui đinh mới về lãnh hải do họ tự đặt ra, bất chấp công pháp quốc tế, TC đang kiểm soát con đường từ Thái Bình Dương qua các nước ở Đông Nam Á để vào Ấn Độ Dương. Dân số của Tầu quá đông (1 tỷ 300 triệu người), đất đai Trung Hoa sẽ trở nên chật hẹp. Dù cho có hạn chế sanh đẻ gắt gao, dân số của Trung Hoa vẫn tăng trưởng rất nhanh. Thập niên 50, dân số của Tầu là 800 triệu, nay con số này lên gần gấp đôi. Cách đây 3 năm, Đại tướng Trung Cộng Trì Hạo Điền (lúc đó đang làm Bộ Trưởng Quốc phòng kiêm Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương), đã đọc 1 bài diễn văn có tựa đề là Chiến tranh không xa chúng ta, Bài này đã được đăng trên các mạng điện tử www.peacehall.com và www.boxun.com ngày 24 tháng 3 năm 2005.

Bài này đáng được đọc vì người ta tin rằng nó trình bầy chiến lược của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong việc phát triển nước Tầu. Bài viết nhấn mạnh đến quan niệm mà họ gọi là không gian sinh sống của 1 tỉ 300 triệu dân Tầu đang và sẽ đi vào chỗ nghẹt vì thiếu đất đai. Bài này biện minh những lý lẽ cần thiết cho Tầu dùng cuộc chiến tranh sinh học để tiêu diệt dân Hoa Kỳ và chuẩn bị cho Tầu chiếm nhiều thuộc địa lớn trong tương lai. Chuyện Tầu tuyên bố chủ quyền từ Tam Sa (đảo Hải Nam) trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, có tính cách hoàn toàn thời sự. Đối với tham vọng to lớn của Tầu, đó chỉ là một hạt cát trong Đại dương, tham vọng của Tầu vĩ đại hơn, không dừng ở Trường Sa, Hoàng Sa. Bài diễn văn cũng nói tới ‘’...chúng ta phải dẫn dắt người Tầu chúng ta khỏi nước Tầu để họ có thể phát triển bên ngoài nước Tầu....việc phát triển của chúng ta nói tới sự phục hưng mạnh mẽ của nước Tầu, mà dĩ nhiên không giới hạn trong vùng đất của chúng ta đang có nhưng còn bao gồm toàn thể thế giới nữa.’’ (Hình trên: Trì Hạo Điền)

TC đang khống chế biển Đông. Tháng 6 năm 2006, Việt Nam ký giao kèo cho phép Công ty Ấn Độ ONGC (Oil and Natural Gaz Corporation ) khai thác dầu, khí đốt ở ngoài khơi Việt Nam.Tháng 11 cùng năm, TC đã cảnh cáo không cho Công ty Ấn Độ khai thác, viện cớ đó là thuộc hải phận của TC. Công ty này phải chấm dứt hoạt động sau khi đã tiêu hơn 100 triệu dollars USA.

Gián điệp Trung Cộng tràn ngập
Mọi người ai cũng biết gián điệp Trung Cộng hiện diện đông như kiến tại các nước Hoa Ký, Anh Pháp, Đức, Úc..Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, các gián điệp Trung Cộng trọng tâm vào các lãnh vực kỹ thuật, kỹ nghệ, kỹ nghệ điện tử, khoa học không gian...hơn là các lãnh vực quân sự, quốc phòng. Người Tầu hiện có mặt rất đông tại khắp mọi nơi trên thế giới. Hang cùng ngõ hẻm của bất cứ một nước nào cũng có mặt họ. Đạo quân thứ 5 đó đích thực là môi trường ẩn náu để hoạt động cho các gián điệp của Trung Cộng. Mới đây, Chen Yonglin, 37 tuổi, tham vụ chánh trị tại Tòa Lãnh Sự của Trung Cộng ở Sydney đã cùng vợ con bỏ trốn và xin tị nạn chánh tại Úc. Chen đã lên tiếng tố cáo Trung Cộng đã có trên 1000 diệp viên đang hoạt động tại Úc.

Ngày 8 tháng 3 năm 1999, cả nước Mỹ rúng động vì một điệp viên của Trung Cộng có tên là Wen Lee Ho, đang làm việc tại Trung Tâm Nguyên tử Quốc gia tại Los Alamos, California. Trung tâm này được thành lập một cách rất bí mật vào năm 1943. Hai quả bom nguyên tử, được thả xuống Quảng Đảo, Trường Kỳ, chấm dứt thế chiến thứ 2 đã được chế tạo tại đây. Hoa Kỳ đã chánh thức lên tiếng cáo buộc TC đã cài điệp viên Wen Lee Ho vào làm việc tại căn cứ nguyên tử Los Alamo. Ho đã đánh cắp nhiều tài liệu tối mật của Mỹ, gửi cho Tầu.

Ngoài vụ Ho ở căn cứ Los Alamo, tại các căn cứ nguyên tử khác của Mỹ ở Sandia (New Mexico), Lawrence và Livermore ở California các bí mật nguyên tử cũng bị tiết lộ ra ngoài.

Mỗi năm có hàng ngàn sinh viên, kỹ thuật gia Tầu đến Mỹ để học tập Trong số đó chắc chắn có nhiều gián điệp. Họ đến Mỹ với mục đích ăn cắp kỹ thuật. Sự ăn cắp, bắt chước rất đa dạng và tinh vi đến nỗi cơ quan FBI đã khuyến cáo chánh phủ Mỹ về sự hiện diện của các điệp viên TC, đủ mọi cấp, đủ mọi ngành, trong nhóm người này.

Quỹ ứng cử của Tổng Thống Bill Clinton năm 1996 có lẽ đã có một phần đóng góp của Trung quốc.

Tin tặc từ Trung Quốc
Điện toán đã thành 1 phần của đời sống hàng ngày của chúng ta trên khắp mọi lãnh vực. Trên lãnh vực quân sự, điện toán được dùng trên mọi khía cạnh: từ điều quân, oanh tạc cho đến ngay cả việc điều quân trên bộ. Điện toán đã xuống đến các đơn vị cấp nhỏ. Trong chiến tranh hiện đại, làm tê liệt hệ thống điện toán của đối phương là điều kiện tiên quyết để đi đến chiến thắng. Đối phương sẽ bị tê liệt vì hệ thống điện toán bị hủy diệt ngay từ đầu của chiến cuộc, mất hết khả năng quân sự, tài chính, kinh tế, hệ thống thông tin. Nếu chiến tranh xẩy ra giữa TC và Mỹ, chắc chắn TC sẽ tìm cách phá hoại hệ thống điện tử của Mỹ để làm nước này tê liệt.

Hệ thống điện toán của các cường quốc trong thế giới tự do đã bị TC thăm dò, tấn công (espionnage et attaques életroniques). Tháng 6 năm 2007, Hacker Quân đội Nhân dân Trung quốc đã xâm nhập hệ thống điện toán của Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ, đánh cắp một số tài liệu và làm cho hệ thống điện toán của một cố vấn cao cấp của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates phải tạm đóng lại như 1 biện pháp đề phòng. Được biết, xâm nhập với ý đồ phá hoại hệ thống điện toán từ Trung Cộng được ghi nhận từ năm 2005.

Ngày 5 tháng 8, tờ báo Guardian cho hay, tin tặc TC đã tấn công hệ thống điện toán của Chánh phủ Anh. Tháng 8 năm 2007, hệ thống điện toán của Thủ tướng Đức cùng hệ thống điện toán của các bộ Ngoại giao, Kinh Tế bị nhiễm virus và bị ăn cắp dữ kiện. Cơ quan tình báo thuộc Bộ Nội Vụ Đức quốc tin rằng tin tặc xuất phát từ Quân Đội Nhân dân Trung Quốc. Ngày 10 tháng 9 năm 2007, Tổng Thư Ký Bộ Quốc Phòng của Pháp đã Lên tiếng tố cáo hệ thống điện toán của Pháp bị một nhóm tin tặc có liên quan đến Trung Quốc xâm nhập. Cũng trong tháng 9, báo The Age ở Úc cho hay hệ thống điện toán của Tân Tây Lan cũng bị xâm nhập.

Cuộc chiến trên lãnh vực kinh tế
Xin mời bạn đọc đi thăm một vòng các cửa hàng bách hóa ở Bắc Mỹ, bạn sẽ thấy hàng hóa made in China tràn ngập khắp nơi, bán với giá rẻ mạt so với các hàng hóa sản xuất tại các nước tư bản. Xin đơn cử 1 thí dụ điển hình: xe hơi sản xuất tại TC được bán ra ngoài với giá khoảng 10 000 dollars trong khi 1 xe cùng kích thước sản xuất tại Nhật Bản hay tại USA …được bán với giá trên 20 000 dollars. Xuất cảng của TC vượt xa nhập cảng, đem lại một số thặng dư ngoại tệ khổng lồ mỗi năm cho TC. Chắc chắn điều đó là nhờ lực lượng công nhân lao động xã hội chủ nghĩa khổng lồ mà không một nước nào có thể so sánh được.

Không có một nước nào trên thế giới có thể sản xuất được một khối lượng hàng hóa khổng lố trong một thời gian ngắn với một giá rẻ kỷ lục như TC. Như đã nói ở đoạn trên, TC đã bỏ tiền mua nhiều đại công ty trên thế giới. Công ty chế tạo xe hơi của Tầu Dongfeng Motor đã ký thỏa hiệp với 5 công ty khác nhau để sản xuất xe hơi ngay trên đất Tầu: với nhóm PSA của Pháp để sản xuất xe Citroen, xe Peugeot 307, với Renault của Pháp, với Honda, với Nissan của Nhựt, với Hyundai của Nam Hàn để làm xe KIA,Guangzhou Automotive hợp tác sản xuất với Honda va Toyota.

Việc dọn các công ty sang Trung Hoa, hay chỉ một phần của công ty, đã làm nhiều người bị mất việc, tạo ra nhiều xáo trộn về kinh tế và xã hội tại nhiều quốc gia. Tại Mexique, trong 5 năm gần đây, đã có 230 000 nhân công bị thất nghiệp.

Trong lãnh vực quần áo, hàng vải, hàng hóa TC đã khiến 50% kỹ nghệ này ở Hoa Kỳ, Canada, và Tây Âu bị phá sản. Kỹ nghệ đóng giầy ở Nam dương bị phá sản. Ở Âu châu, 50 000 thợ đóng giầy mất việc. Kỹ nghệ làm giầy ở Canada thì chỉ còn sản xuất bottes cho thợ thuyền và quân đội.

Trong năm 2005, TC đã cung cấp cho thị trường thế giới: 90% DVD, 85% đồ chơi, 85% máy cày, 85% đồng hồ, 70% máy in, 55% máy điện toán cầm tay, 50% quạt máy, 40% lò micro-ondes. 36% Tv, 30% máy lạnh, 25% máy giặt, máy sấy, 20% tủ lạnh.

Trung Hoa Cộng Sản, dưới sự cai trị của Mao Trạch Đông, là một nước cô lập với các nước bên ngoài. Các cuộc cải cách vĩ đại gần như không tưởng và rất tàn bạo như Bước tiến nhẩy vọt, Cải cách ruộng đất, Phong trào tam phản….đã đưa Trung Hoa vào hàng ngũ các nước nghèo nhứt thế giới. Đặng Tiểu Bình đã thay đổi nền kinh tế của Hoa Lục, để rồi chỉ trong hơn hai thập niên, Trung Hoa trở thành 1 cường quốc kinh tế. Trung Quốc không còn là 1 nước đóng cửa nữa, Trung Quốc đã du nhập kỹ thuật Tây phương, đã mở cửa cho Tư bản ngoại quốc vào đầu tư.

Thí dụ điển hình nhứt là Công ty bách hóa Wal-Mart của USA. Công ty này đã cộng thác chặt chẽ với Trung Quốc. 80% các hàng hóa của Walt-Mart được sản xuất ở Trung Quốc. Walt-Mart và các người bạn mới Trung Quốc đã xóa tên nhiều đại công ty lâu đời trên thế giới như K-Mart, Woolco, FAO Schwartz… Một số lớn các đại công ty kỹ nghệ đã dời sang Trung Cộng để lợi dụng tình trạng nhân công rẻ như bèo ở xứ này.Thí dụ, hãng đóng tầu bay, xe lửa …..của Gia Nã Đại Bombardier đã dọn một phần của công ty sang Trung Hoa. Trong lãnh vực phát triển kỹ nghệ, từ nhiều năm nay, TC đã dùng số ngoại tệ sở hữu khổng lồ để thiết lập các nhà máy kỹ nghệ, không những ở trong nội địa Trung Hoa mà còn cả ở các nước ngoại quốc nữa.

Thí dụ:

- Công ty Trung quốc Lenovo Computer đã mua toàn thể bộ phận sản xuất máy vi tính của IBM.

- Các công ty của Đức, anh, Mỹ, Pháp ….đều được các Công Ty TC mua lại.

- v.v…

Tính đến cuối năm 2005, Trung Quốc đã thiết lập được 1500 công ty tại 180 nước trên thế giới. Trong thị trường thế giới, hàng hóa sản xuất từ TC đã đầy tràn khắp mọi nơi. TC chiếm nhiều ưu thế: Ưu thế trong các hàng hóa gia dụng nhưng yếu kém về kỹ nghệ nặng, Ưu thế nhờ nhân công rẻ mạt và đầu tư ngoại quốc. Với một dân số 1tỷ 300 triệu dân, TC có một đội ngũ nhân công rẻ mạt nhưng cũng rất chuyên cần và khéo tay. Hiện nay, theo Thống Kê, Trung Quốc có 500 000 công ty có vốn đầu tư của ngoại quốc. Năm 1990, số ngoại quốc đầu tư là 50 tỷ Nhân dân tệ, đến năm 2002 con số này lên đến 3377 tỷ Nhân dân tệ (1 dollar =8 Nhân dân tệ vào lúc đó). Bên cạnh 500 000 xí nghiệp có vốn của Ngoại quốc, Trung Hoa còn có 300 000 xí nghiệp trong đó có 12 000 đại xí nghiệp quốc doanh với hơn nửa tỷ công nhân cần mẫn. Nhiều nhà quan sát quốc tế, và mới đây ngày 11-5-2006, tuần báo Christian Science Monotor, đã cảnh cáo Hoa Kỳ về hiểm họa Trung Cộng. Quả vậy Uncle Sam đâu có ngồi yên nhìn TC tung hoành. Có lẽ người Mỹ đã bắt đầu thức tỉnh nên TC đã không mua được hãng Maytag của Mỹ. TC đã không mua được hãng dầu Unocal của Mỹ khi Quốc Hội Hoa Kỳ can thiệp can thiệp để ngăn chặn công Ty dầu khí của TC CNOOC (Chinese National Offshore Oil Corporation) không mua được công ty Unocal dù TC đã trả với giá 18,5 tỷ Mỹ Kim.

Cuộc chiến tiền tệ giữa TC và thề giới tự do trong đó có USA
Đồng Nhân dân tệ được Mao Trạch Đông chánh thức thiết lập năm 1948, sau khi đã chiếm được toàn thể nước Tầu. Lúc đó hối xuất của Nhân dân tệ là 1 MK= 400 Nhân dân tệ. Từ năm 1952 đến năm 1973, hối xuất là 1MK=2,42 Nhân dân tệ. Nhưng vì TC không có ngoại thương với các nước Tây Phương nên hối xuất này không có mảy may ảnh hưởng gì. Thập niên 80, 90, tình trạng kinh tế của TC có tiến triển, hối xuất được thay đổi, 1 dollar = 5,9 nhân dân tệ (NDT). Từ sau 1994, đồng NDT, theo đúng lệnh của Đảng CS Trung Quốc qui định, được thả nổi lên xuống trong khoảng 8,2 – 8,3 NDT = 1 dollar. Dựa vào sự chao đảo của đồng dollar USA theo hối xuất quốc tế, hàng hóa xuất cảng của TC có giá thấp nên chiếm được thị trường. Trong công cuộc buôn bán với Mỹ, TC tìm cách kềm hãm đồng NDT ở 1 hối xuất thấp để giữ giá hàng rẻ. Quốc tế, đứng đầu là Mỹ, gây áp lực bắt TC phải nâng giá đồng NDT để tạo sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Ta có thể suy diễn để hiểu một cách dễ dàng là khi đồng NDT tăng gíá so với US dollar, hàng hóa của TC cũng tăng giá theo đồng tiền, ưu thế của hàng hóa của TC là giá rẻ sẽ bị hóa giải, kéo theo sự giảm dần ưu thế kinh tế của nước này. Từ năm 2003, ngoài Mỹ, các nước ở Âu Châu, Nhật, các nước ở Nam Mỹ cũng như Quĩ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) đều áp lực, bắt TC tăng gíá đồng NDT. Cuộc chiến kéo dài tới tháng 9 năm 2003 thì hầu hết giới chủ ngân hàng trên thế giới nhập cuộc, bắt TC phải tăng hối xuất của đồng NDT từ 20 đến 40%. Nếu không đồng NDT sẽ không được chấp nhận như 1 Bản vị khi luân lưu thương mại. Ngày 21 tháng 7 năm 2005, TC quyết định hủy bỏ hối xuất cố định của đồng NDT, thả nổi đồng NDT, chấp nhận các thiệt hại do việc phá giá này. Xin nhắc lại phá giá đồng NDT từ 8,277= 1 dollar xuống 8,11 NDT = 1 dollar ( tăng 2,1% ) khiến nhà nước TC thiệt hại 10 tỷ dollar. Năm 2006, dưới áp lực của Mỹ, TC lại phải điều chỉnh hối xuất, 1 Mỹ Kim= 8,06 NDT. Hậu quả là mội sự tăng giá đồng NDTsẽ làm tăng vật giá nhập khẩu, gia tăng lạm phát. TC sau khi phá giá đồng NDT, đã cảnh cáo Mỹ là những áp lực cứng rắn của Mỹ về hối đoái sẽ đưa TC đi đến quyết định bán 600 tỷ công khố phiếu của Mỹ mà hiện giờ TC đang nắm giữ. Việc này có thể đưa đến một cuộc khủng hoảng tài chánh giữa hai nước và cả thế giới như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929. Từ một nước đóng kín, yếu kém về kinh tế, thương mại nhứt là thương mại quốc tế, TC hiện nay là chủ nợ của Hoa Kỳ, muốn Hoa Kỳ và các nước Tây phương tiêu thụ nhiều hơn các hàng hóa rẻ mạt từ TC. Càng tiêu càng mắc nợ nhiều hơn. Từ vài tháng gần đây, đồng dollar của Gia Nã Đại đột nhiên tăng giá so với đồng dollar USA. Xin độc giả đừng tưởng là tiền của Gia Nã Đại đang tăng. Sự thực không phải như vậy. Mỹ đang phá giá đồng dollar của họ đó. Tiền Mỹ mất giá sẽ nâng các ngoại tệ khác như đồng Euro, đồng Yen, đồng nhân dân tệ (của TC) lên cao. Điều này đã kịp thời cứu sống nền kinh tế của Mỹ bị lung kay từ mấy năm nay, có thể đưa đến chỗ sụp đổ vì thâm thủng mậu dịch với TC. Đồng dollar giảm giá sẽ nâng cao đồng Nhân Dân Tệ theo hối xuất thả nổi hiện nay, khiến cho hàng hóa xuất cảng của TC sẽ không còn giá rẻ như trước nữa. Như thế hàng hóa của TC sẽ khó có thể cạnh tranh với hàng hóa của các nước Âu Mỹ.

Cuộc chiến trên lãnh vực năng lượng
Thế giới hiện nay đang lên cơn sốt về dầu hỏa. Khi quí bạn đọc những dòng này, giá cả 1 thùng dầu thô có lẽ đã vượt con số định mạng: 100 $ 1 thùng dầu thô. Bảo vệ nguồn dầu hỏa đến từ các nước Ả rập ở Trung Đông là một vấn đề sinh tử đối với Mỹ. Với TC, năng lượng (dầu hỏa và khí đốt) vô cùng quan trọng. Năng lượng giữ vai trò chi phối trong sự tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Lục, tạo điều kiện hiện đại hóa quân sự trong tham vọng bá quyền. Do sự tăng trưởng kinh tế nên mấy năm qua, TC đã tiêu thụ một số năng lượng khổng lồ, chỉ thua Mỹ nhưng hơn hẳn Nhật, Âu Châu. Ngoài ra TC phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng nhập cảng từ các nước ngoài. Trong nỗ lực tìm nguồn tiếp liệu dầu hỏa, bành trướng kinh tế, TC đã không ngần ngại tìm đến các nước ở Phi Châu, ở Nam Mỹ. Như vậy TC đã đụng độ với Mỹ ở những vùng ảnh hưởng của Mỹ. Cuộc đụng độ với Mỹ ở Darfour, ngay sát nách Tchad, một quốc gia Phi Châu được TC tài trợ, chỉ là một thí dụ điển hình về cuộc chiến về năng lượng giữa Mỹ và TC.

Mỗi ngày TC tiêu thụ 6,7 triệu barils, hạng nhì sau Hoa Kỳ. Các quốc gia đang cung cấp dầu hỏa cho TC là :

- Angola, Arabie Seoudite, Soudan mỗi nước độ 0,5 triệu barils mỗi ngày.

- Nga, Oman : mỗi nước độ 300 000barils mỗi ngày.

- Congo, Yemen, Equateur, Venezuella : mỗi nước độ 150 000 barils mỗi ngày.

Với Kazathstan, TC đã thiết lập một ống dẫn dầu từ năm 2006, đưa dầu từ miền Trung Á về Trung Quốc, khỏi cần chuyên chở bằng tầu. Chiến tranh tại Irak đã khiến TC mất một nguồn năng lượng đáng kể. Phải chăng yếu tố dầu hỏa là quyết định chánh trong việc Hoa Kỳ đổ bộ vào Irak ? Mặt khác TC chỉ có khả năng chuyên chở 15% dầu nhập cảng bằng tầu Trung quốc. Việc vận chuyển dầu phải đi qua các hải phận do Anh, Mỹ kiểm soát (kinh đào Suez, eo biển Ormuz trên vịnh Ba Tư, eo Malacca…) Khi có cuộc khủng hoảng, con đường tiếp tế dầu này dễ bị phong tỏa. TC cũng dư biết điều đó nên TC đã nối lại bang giao mật thiết với Nga Sô sau nhiều năm lạnh nhạt vì vấn đề biên giới. Hồ Cẩm Đào và Putin đã gập nhau 3 lần để bàn thảo về chiến lược liên minh xây dựng một ống dẫn dầu, khí của Nga từ Tây Bá Lợi Á về trung tâm năng lượng Đại Khánh của TC. Ngoài ra TC đã ký kết với Ba Tư một hợp đồng lên tới 70 tỷ US dollars để mua dầu và khí đốt của nước này. Vì vậy mà Nga Sô và TC đã ra mặt bênh vực Ba Tư, Sudan khi 2 nước này bị Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc đòi trừng phạt kinh tế vì chương trình nguyên tử (Ba Tư) và sự tàn ác tại Darfur. Công ty quốc doanh CNPC (China National Petrolum Corporation) đã thiết lập 1 đường ống dẫn dầu dài 1500km, dẫn dầu đến Port-Soudan trên Hồng Hải để từ đó chuyển về TC. Sự có mặt của TC trong vùng biển này làm Mỹ và Do Thái lo ngại. Ngoài ra TC còn có nhiều dự án khoan dầu tại Guinée, Congo, Malt.

Kết luận
Thế giới đã trải qua 2 cuộc chiến tàn khốc. Cuộc thế chiến thứ 3 đang đe dọa tàn phá nhân loại. Đó là cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến chống tham vọng bá quyền và tham vọng bành trướng của TC.. Đó là một cuộc chiến liên quan đến mọi lãnh vực. TC trở thành 1 cường quốc như ngày nay, một phần là do lỗi ở các nước trong thế giới tự do, nhứt là Hoa Kỳ, dưới thời các Tổng Thống Jimmy Carter và Bill Clinton.



TÀI LIỆU THAM KHẢO :

Ngoại ngữ:

- Red Dragon rising: .C.Triplett III & E. Timperlake Regenery Publishing

- Armée populaire de liberation : Wikipédia

- La puissance de l’armée chinoise Laurent Zecchini

- La menace chinoise : Presse universitaire U de M

- L’Économie chinoise et le monde : Francoise Lemoine. Presse universitaire. U de M

- Chinese military ‘ hacked ‘ to Pentagone. Laura Clout

Tiếng Việt :

- Chiến tranh không xa chúng ta : Trì Hạo Điền - Trần Đông Quân dịch

- Bốn tội phản quốc của đảng CSVN : LS Nguyễn hữu Thống

- Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam : Ngô Nhân Dụng

- Hà Nội trước song gió Hoàng-Trường Sa : Nguễn Văn Tạo

- Một bước đần xin chịu tội : Ngô Nhân Dụng

- Khi Trung Quốc là nhà máy khổng lồ của thế giới: Lâm Văn Bé

- Khi Trung Quốc làm thay đổi thế giới ; Lâm Văn Bé

- Tin tặc từ Trung Quốc Quốc Gia số 112/2007

- Trung Cộng, cơn ác mộng của Nhân loại trong thế kỷ XXI ; Mường Giang

- Sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng ; Mường Giang

- Tương quan lực lượng quân sự giữa Hoa Kỳ và TC trong cuộc chiến sắp tới; Mường Giang.

- TẦU CỘNG : chính sách di dân và lấn chiếm biên giới: TS Nguyễn Ngọc Sảng



Phụ bản 1: Thư bán nước của Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai năm 1958





Phụ bản 2: Tất cả biển Đông do TC tự ý chiếm đoạt





Song Nguyễn

Montréal, Canada


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com